Nhà tù Hỏa Lò mang trong mình một quá khứ đau thương và bi hùng, được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, nơi này đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và giành độc lập của người Việt Nam. Từ những tù nhân chính trị đến các phi công Mỹ, Hỏa Lò đã chứng kiến bao nhiêu nỗi khổ đau của những người bị giam cầm trong bốn bức tường. Ngày nay, những câu chuyện về Hỏa Lò vẫn còn in đậm trong ký ức người dân Việt Nam và thu hút đông đảo du khách tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc này.
Dịch vụ
Khi đến Hỏa Lò bạn có thể tự do tham quan hoặc chọn các gói dịch vụ khác như:
- Hướng dẫn viên
- Thuyết minh tự động
- Quầy hàng lưu niệm
- Các quầy bán nước, thực phẩm
Lịch sử hình thành
Cuối thế kỷ XIX, trước các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp tăng cường bộ máy đàn áp, bao gồm việc xây dựng một mạng lưới nhà tù. Năm 1896, khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, chúng đã cho di chuyển toàn bộ dân làng cùng những ngôi đình, chùa cổ kính của làng Phụ Khánh đi nơi khác, như chùa Chân Tiên, đình Phụ Khánh dời xuống cuối phố Bà Triệu ngày nay, còn các chùa Bích Thư, Bích Họa thì bị phá hủy hoàn toàn. Thực dân Pháp đã lấy toàn bộ đất làng xây dựng nhà tù, Tòa án và Sở Mật thám, tạo thành một hệ thống chuyên chế liên hoàn phục vụ đắc lực cho việc cai trị và đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chúng đã xây dựng lên Nhà tù Hỏa Lò – một trong những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Từ một làng nghề thủ công, Hỏa Lò đã trở thành nơi giam giữ và tra tấn hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Tuy phải chịu chế độ giam cầm hà khắc, các tù nhân vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Nhiều người đã tìm cách vượt ngục về hoạt động cách mạng.
Nhà tù Hỏa Lò đã giam giữ nhiều nhà lãnh đạo yêu nước và cách mạng Việt Nam, như Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, và cả 5 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau giải phóng miền Bắc năm 1954, Chính phủ Việt Nam tạm thời sử dụng Hỏa Lò để giam giữ người vi phạm pháp luật. Từ 1964-1973, nó cũng được dùng để giam giữ các phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc, những người đặt cho nó cái tên “Hà Nội Hilton”. Năm 1993, một phần Hỏa Lò được bảo tồn, tu bổ và trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội, với Đài tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng Việt Nam đã hy sinh tại đây.
Ý nghĩa
Dù sống trong những điều kiện giam giữ khắc nghiệt tại trại Hỏa Lò, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường giữ vững tinh thần. Họ đã biến nhà tù thành nơi học tập và phổ biến lý luận cách mạng. Nhiều người đã vượt ngục một cách mưu trí để trở về với nhân dân và tổ chức. Các người yêu nước này đã đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.
Câu chuyện về nhà tù Hỏa Lò cũng là một bản án tố cáo chế độ nhà tù man rợ của chế độ thực dân Pháp. Tại khu di tích này có khu tưởng niệm nhà tù Hỏa Lò, nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá phản ánh cuộc sống của tù nhân chính trị dưới ách thực dân. Đây cũng là nơi tưởng niệm và tôn vinh các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại nhà tù vì độc lập, tự do của dân tộc.